Xã Suối Giàng cách trung tâm huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) 12km. Là nơi cư trú lâu đời của đồng bào Mông, Suối Giàng mang đậm dấu ấn văn hoá đặc thù của bà con dân tộc Mông. Thiên nhiên còn hào phóng ban tặng cho miền sơn cước này một vùng chè Shan tuyết trải rộng trên diện tích khoảng 300ha với rất nhiều cây có tuổi đời lên tới vài trăm năm…
Sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Khí hậu nơi đây mát lành với nhiều nét đặc trưng của miền ôn đới nên có thể trồng quanh năm các loài rau ôn đới, như cải Mèo, su su và các loại củ, quả khác. Ngô nếp của người Mông trồng dưới chân những triền núi đá cũng mang vị ngon riêng có của Suối Giàng. Đặc biệt, thịt lợn đen, gà ác là những đặc sản mà ai đã từng thưởng thức đều không thể quên được…
Nằm trên độ cao gần 1.400m so với mực nước biển, khí hậu của Suối Giàng gần giống như Sa Pa, Đà Lạt. Du khách đến đây có thể trèo lên những cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi, hái những búp chè xanh non cùng thiếu nữ Mông mến khách, hay dạo chơi dưới rừng Pơ mu hoặc phiêu du theo dòng thác Tập Lang rì rầm nước chảy, cùng chén trà tuyết bốc khói nghi ngút. Một cảm giác lâng lâng, khó tả khiến con người muốn tan chảy trong thiên nhiên hoang sơ, bí ẩn.
Ai đã từng lên thăm Suối Giàng đều không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn những cây chè cổ thụ. Ngay từ những năm 60 người ta đã thống kê có tới gần 40.000 cây chè Shan cổ thụ có độ tuổi từ 200-300 năm, còn những cây hàng trăm tuổi trở xuống thì nhiều không kể xiết. Giống chè Shan tuyết càng già, thân càng trắng mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, lá xanh ngăn ngắt. Theo thống kê mới nhất, diện tích chè tuyết hiện nay ở Suối Giàng là 393ha, trong đó diện tích cây chè cổ thụ là 293ha, còn 100ha do bà con trồng mới.
Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng chè trên cả nước. Có cây đường kính lên đến hàng mét, lá và búp chè to khác hẳn với các loại chè khác. Búp có màu trắng xám, nhìn giống như có một lớp phấn hoặc lông như bông tuyết nên người dân gọi là chè tuyết. Giống chè Shan lưu niên hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh. Điều đặc biệt là ở đâu toàn bộ khâu thu hoạch, chế biến chè đều được làm thủ công.
Thường thì ở Suối Giàng mùa đông không có mặt trời, ngay cả buổi sáng mùa hè, búp chè cũng ngậm sương mù, hái buốt tay. Đầu tiên chè tươi hái về, chọn những búp không bị sâu, không quá già, sau đó đưa vào chảo để sao. Sao chè nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước chè mới xanh. Khi sao chè, phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ.
Trong quá trình sao, lửa phải liu riu thật đều, rồi đưa chè ra vò bằng tay, phải khéo léo sao cho chè không bị vữa, vừa không mất hương chè, vừa không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp chè. Đó là cả một quá trình cẩn thận, kỹ lưỡng mà người sao chè phải để hết tâm huyết vào.
Sau khi sao, những búp chè săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng, mang hương thơm độc đáo thanh cao của núi ngàn. Được tận mắt nhìn cô gái Mông nâng chén trà với đôi má ửng hồng vì lửa nóng từ lò sao, mới thấy giá trị của chè Suối Giàng không chỉ dừng lại ở hương vị đặc biệt của một đồ uống, nó vượt lên là sự thưởng thức, thưởng thức cả cách làm nên hương vị ấy.
Vào mùa chế biến chè, Suối Giàng thơm ngào ngạt mùi chè lá, chè búp, quyến rũ đến mức ta đã có cảm giác đáy họng mình cũng có vị chan chát, ngầy ngậy. Đúng là một thứ chè rất được nước, rất nịnh hương, uống xong rồi dư vị vẫn cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi…Chè Shan tuyết có tác dụng tốt cho cơ thể, chống ôxy hoá, giúp mọi người tỉnh táo, sảng khoái… Không những thế, bà con người Mông ở đây không nói tiếng phổ thông, nhưng họ đặc biệt hiếu khách. Chủ nhân những vườn chè sẵn sàng chia sẻ với du khách những ấm chè ngon do chính tay họ sao và chỉ bảo tận tình cách sao chè sao cho thơm ngon… Du khách như được sống trong một môi trường văn hóa thơm thuần khiết…
Lễ hội cúng chè tổ độc đáo
Năm nào cũng vậy, mỗi khi xuân về, hoa đào, hoa mận nở rộ, để tôn vinh cây chè đã mang lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây, nhân dân Suối Giàng lại tổ chức lễ cúng cây chè tổ. Lê cúng cây chè để tri ân trời đất, tri ân cây chè đã giúp họ có cuộc sống ấm no.
Theo lời ông Giàng A Đằng, mỗi khi mở hội cũng cầy chè tổ, mừng mùa chè bội thu, từ sáng sớm, trên các nẻo đường, các bản làng xã Suối Giàng, trong những bộ tả pủ, váy áo mới dệt bằng sợi lanh, náo nức xòe ô về dự hội. Nghi lễ cúng cây chè tổ là nghi lễ truyền thống trong đời sống tâm linh của người dân Suối Giàng. Người chủ lễ cúng là vị cao niên trong bản, đức độ được người dân trong bản tôn kính. Trước khi làm lễ cúng, người chủ lễ tắm rửa sạch sẽ bằng nước đun từ những loại lá cây thơm hái trên rừng, và mặc bộ quần áo mới. Lễ vật cúng là một con gà trống đen, giống gà Mông quí hiếm, lông đen, thịt đen, xương đen. Những người tham gia cúng cây chè tổ là bà con dân bản, trong đó chọn 4- 5 thanh niên trai tráng lực lưỡng, khỏe mạnh giúp chủ lễ kê bàn thờ, mổ gà, vái lạy trời đất. tổ tiên, thần linh…
Buổi sáng, khi mặt trời vừa lấp ló trên đỉnh núi thôn Giàng Cao, ánh sáng chói lòa chưa xuyên qua được màn sương mờ đục còn bao phủ khắp núi rừng, những người dân đã tập trung quanh gốc cây chè tổ. Một chiếc bàn thờ làm bằng thân cây trúc vẫn còn tươi, trên dán giấy bản, bốn tờ giấy dó màu đỏ, giữa dán giấy vàng dán ở bốn góc bàn thờ, cùng những tua giấy cắt treo bốn góc, tượng trưng cho trời đất bốn phương, tám hướng, đất đai, thần linh, tổ tiên…Chủ lễ được người dân xã Suối Giàng chọn là ông Giàng A Lử ở thôn Giàng B. Trước khi làm lễ cắt tiết gà, chủ lễ thắp hương khấn vái trời đất tổ tiên và cây chè, sau đó cầm con gà đen hướng về phía mặt trời rồi khấn rằng: Hôm nay là ngày lành tháng tốt, người dân Suối Giàng có lễ mọn là một con gà trống lông đen, mào đỏ rực, tiếng gáy của nó vang khắp các núi, các khe suối được làm lễ vật để dâng lên trời đất, thần núi, thần rừng, thần bản, tổ tiên…nay cúng cho cây chè tổ. Trời đất hãy chứng giám cho lòng thành của dân bản chúng tôi…
Nói rồi hai người thanh niên giúp ông Lử cắt tiết gà, tiết của con gà được đặt lên bàn thờ cùng với một túm lông trên cổ của con gà vừa mới cắt tiết được dán lên tờ giấy bản nơi chính giữa bàn thờ. Sau khi luộc chín gà cùng xôi nếp, rượu ngô men lá rừng được bày lên bàn thờ, lễ cúng bắt đầu. Ông Giàng A Lử chắp tay đứng trước bàn thờ, những người tham gia cúng xếp hàng đứng phía sau, mỗi lần ông kêu tên trời đất, thân núi, thần rừng, tổ tiên…những người đứng sau ông quì xuống đất lạy trời đất và cây chè. Lời cúng của ông Lử bằng tiếng Quan Hỏa, đại ý như thế này: Người dân Suối Giàng vô cùng biết ơn trời đất, đã cho chúng tôi cây chè quí, nay chúng tôi có một lễ nhỏ xin được dâng lên trời đất, dâng lên các thần linh, tổ tiên phù hộ cho người dân trong bản ai cũng được mạnh khỏe, phù hộ cho rừng chè tươi tốt, búp to như bàn tay trẻ con, lá to như lá chuối rừng, hái quanh năm không hết, giúp cho người dân no đủ, không còn đói nghèo…Sau khi làm lễ cúng xong, ông Lử rót rượu ra những chiếc chén, sau đó đổ xuống đất và gốc chè, số còn lại chia cho những người cúng và một số người tham dự uống gọi là lộc trời. Tiếp đó ông cho phép hóa vàng những tua giấy treo bốn góc bàn thờ…Lễ cúng cây chè tổ hàng năm là một nét đẹp văn hóa ứng xử với thiên nhiên của người Mông Suối Giàng, đó cũng chính là những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Chia tay Suối Giàng, khi mọi người và nhiều du khách vẫn hồ hởi chuyện trò quanh những ấm chè thoát lên mùi hương của đất trời, nhìn những vườn chè thấp thoáng trên lưng núi, những cô gái Mông nở những nụ cười như đất trời nở hoa, tôi thấy một niềm vui khó tả. Nhưng cũng có nhiều ngẫm suy, làm sao để hương chè Tuyết San Suối Giàng tỏa hương giữa bốn biển năm châu được mọi người biết đến. Đó cũng là ước mong của chính quyền và đồng bào dân tộc Mông xã Suối Giàng. Nhưng tôi hiểu, nếu có những chính sách phát triển du lịch một cách đúng đắn, Suối Giàng sẽ không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn, mà qua đó hương chè Tuyết San cũng sẽ tỏa hương khắp thế giới.
YesVietnam tổng hợp từ nhiều nguồn.