Sá sùng chính là con trùn biển, có nơi gọi là con sâu cát. Ở Việt Nam, những vùng biển đặc biệt có nhiều là Quảng Ninh, Hải Phòng, vùng biển Thủy Triều (Cam Ranh), Cần Giờ…

Sá sùng màu nâu đỏ, nhìn qua có hình dạng giống như con trùn đất, trên mình có những sợi vân nhỏ li ti, nhưng kích thước lớn hơn và ruột chứa toàn cát. Sá sùng sống trong hang sâu dưới cát.

Người ta bắt trùn biển thường vào lúc sáng sớm, khi nước triều vừa rút đi để lại những dấu vết của chúng sau một đêm ngoi ra khỏi cát đi kiếm ăn, giao phối. Cũng như đào trùn đất, nếu thấy dấu vết, chỉ cần xúc vào sâu lớp cát sẽ thấy chúng bên dưới. Thức ăn của sá sùng là những mảnh vụn hữu cơ, sinh vật phù du lơ lửng trong nước. Một con trùn biển dài từ bảy đến 15cm. Gần đây, người ta còn tìm thấy ở các vùng rừng ngập mặn ở Bến Tre…

Sá sùng

Sá sùng có nhiều giá trị dinh dưỡng như axít amin, glyxin, alanine, glutamin, succinic… và nhiều taurine, khoáng chất. Khi được chế biến sá sùng có hương vị thơm ngon đặc trưng. Theo một nhóm nhà nghiên cứu khoa học của trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, trong thịt của sâu cát này có chứa 17 nguyên tố khoáng, tám loại axít amin không thay thế và mười loại axít amin thay thế rất cần thiết cho cơ thể con người. Theo quan niệm Đông y, sá sùng có vị ngọt, tính mát, chủ trị chứng tâm hàn, bổ dương khí.

Ngày xưa, người ta dùng trùn biển chủ yếu như một dạng tôm khô dùng trong chế biến các loại nước lèo làm phở, hủ tíu, bún. Một lượng nhỏ trùn biển khô rang lên cho vào túi lọc bỏ trong nồi nước lèo sẽ làm cho nồi nước có hương vị đậm đà. Ngày nay, sá sùng có trong thực đơn các nhà hàng hải sản, đặc biệt là món nướng.

Sá sùng

Chế biến trùn biển phải rất tỉ mỉ, bởi phải lộn nó ra và chà xát thật kỹ với muối cho ruột hết cát và hết mùi tanh, rửa nhiều lần đến khi sá sùng có màu trắng hồng mới thôi.

Sá sùng tươi có thể chế biến các món như xào chua ngọt, chiên, nướng. Để chế biến sá sùng tươi, sau khi rửa thật sạch, cho nguyên liệu vào chảo rang trên bếp cho khô rồi trút ra rổ, xoa cho hết những hạt cát còn bám vào. Tiếp đó, có thể nướng, làm gỏi bóp chanh, thêm ít bắp chuối, rau thơm, đậu phộng. Bản thân sá sùng có vị ngọt tự nhiên nên càng nhai lâu càng ngấm vị ngọt, giống như khô mực.

Sá sùng

Sá sùng có thể nướng, ăn chấm muối ớt vắt chanh, cũng có thể ướp muối ớt rồi nướng. Các nhà hàng thường dùng món này để mời khách lai rai cùng bia, giống như mực khô nướng xé nhỏ! Sá sùng vừa giòn, mềm, lại dai dai, có vị béo và ngọt nên càng ăn càng thấy ngon.

Tại chợ Đầm Nha Trang có bán sá sùng khô với giá khoảng 200.000 đồng/ký (đắt hơn mực khô), mỗi bịch đựng nửa ký. Du khách đến đây thường mua sá sùng khô về làm quà và chế biến ăn dần. Xin lưu ý là cách chế biến sá sùng nhanh nhất là nướng bằng cồn như nướng mực khô. Nếu có thời gian thì ướp muối ớt rồi nướng. Cũng có thể chiên giòn và cũng có thể dùng sá sùng thay cho tôm khô khi nấu canh.

Bình An


0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments