Trảng Bàng Tây Ninh là một trong những địa phương có nhiều làng nghề, phố nghề thủ công truyền thống. Nổi tiếng nhất vẫn là bánh canh Trảng Bàng với nhiều lò bánh thủ công gắn liền với các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Trên tuyến TP. Hồ Chí Minh – Tây Ninh, bánh canh Trảng Bàng đã trở thành một sản phẩm du lịch, một điểm dừng chân thân thuộc đối với khách du lịch.

Bánh canh Trảng Bàng trở nên nổi tiếng nhờ tên gọi dễ nhớ bởi nó gắn liền với tên hành chính địa phương. Chính nhờ sự cạnh tranh gay gắt giữa các lò bánh ở địa phương nên những huyền thoại về bánh canh Trảng Bàng không những không bị mai một mà ngày càng ngon hơn và hấp dẫn hơn, quen thuộc hơn. Mỗi lò đều cố gắng thu hút du khách bằng bí quyết riêng của mình trong từng con bánh, từng loại gia vị và cách pha chế gia truyền của mỗi lò. Để có bánh canh Trảng Bàng phải qua công đoạn làm bánh canh rất công phu.

Bánh canh Trảng Bàng

Đầu tiên bánh canh phải được làm bằng một loại gạo quý, đắt tiền như Nàng Thơm (Chợ Đào). Gạo phải được ngâm thật kỹ qua một đêm để hạt gạo đạt đủ độ mềm cần thiết. Sau khi ngâm, gạo được đem xay nhuyễn để lấy tinh bột. Công đoạn cuối cùng là tinh bột được đem hấp chín trước khi ép thành những con bánh canh trắng muốt. Điều đặc biệt dễ nhận thấy ở làng nghề Trảng Bàng này là các lò làm bánh hoạt động rất nhịp nhàng, ăn khớp với các tiệm ăn. Bột bánh canh được giao tới tiệm ăn rất đúng giờ, đúng buổi không quá sớm và cũng không quá trễ, tránh trường hợp con bánh bị chua, mất đi hương vị độc đáo.

Mỗi tô bánh canh khi được bày lên bàn cho thực khách phải đảm bảo cả về chất lượng lẫn mỹ thuật. Tô bánh canh bốc khói với vị cay của ớt, tiêu, sau khi đã dùng qua, ắt hẳn khó ai có thể quên được vị béo ngọt của thịt, vị thơm, dai nhưng mềm của bánh cộng với vị chua của nước mắm.

Phố nghề, làng nghề truyền thống bánh canh Trảng Bàng đang là những thông tin cho du khách nước ngoài muốn tìm hiểu về giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam, sự khác nhau của hương vị 3 miền đất nước Bắc Trung Nam. Bánh canh Trảng Bàng đã trở thành một điểm dừng chân quen thuộc của xe du lịch trên quốc lộ 22.

Bánh canh Trảng Bàng

Vú nàng Dốc Lết, gỏi ốc Bình Châu, chem chép Bình Đại, nem Thủ Đức, bánh canh Trảng Bàng không chỉ là những món ăn thông thường mà còn là những sản phẩm du lịch có giá trị và mang đậm sắc thái văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Nguồn gốc Bánh Canh Trảng Bàng

Tìm về thị trấn Trảng Bàng, “sưu khảo” và “lục lọi” nhiều nguồn tài liệu từ những người cố cựu mới vở ra một thông tin khá thú vị về nguồn gốc của cái nghề nổi danh – và cũng là một thương hiệu bánh canh nức tiếng Việt Nam- mà không nhiều người biết: đó là nguồn gốc cái nghề Bánh canh Trảng Bàng xuất phát từ một gia tộc họ Bùi.

Nói cách khác, khởi nguồn của thương hiệu bánh canh Trảng Bàng ngày nay bắt nguồn từ gánh-bánh-canh-bán-theo-lối-hàng-rong của hai vợ chồng ông Bùi Văn Phương và bà Phạm Thị Trang, tức là ông – bà nội của thế hệ những người cũng theo nghiệp bánh canh và tạo dựng được danh tiếng mấy chục năm sau sau này như Năm Dung, Út Huệ, Sáu Liên (vùng Trảng Bàng), Ba Xi (Sài Gòn hiện nay)… và là ông – bà cố của cả những thế hệ cháu chắt thương hiệu bánh canh Hoàng Minh (dọc tuyến quốc lộ đi Mộc Bài).v.v…

Theo lời kể của bà Ba Xi, chủ Nhà hàng bánh canh Trảng Bàng Ba Xi (135, Võ Văn Tần, P6 Q3, TPHCM), thì thời đó, từ khi còn tuổi niên thiếu bà đã thấy bà nội gánh bánh canh đi bán. Thời đó, khi thực hiện các chuyến giao thương và vận chuyển hàng hoá qua lại giữa Sài Gòn – Tây Ninh và khu vực biên giới Campuchia, những đoàn xe của Pháp thường đậu ở thị trấn Trảng Bàng để nghỉ. Cánh tài xế và những người áp tải hàng hoá hay tìm đến những quán ăn trong vùng. Ông nội của bà đã nghĩ ra cách nấu món bánh canh thịt heo nước lèo để đáp ứng nhu cầu của những người này… Mỗi đêm, ông của bà cùng những người lớn trong nhà thường gánh nước lèo, thịt heo và rau sống tới tận các đoàn xe để nấu và bán.

Rồi đến khi ông bà nội qua đời, cha mẹ bà Ba Xi (là ông Bùi Văn Sử và bà Nguyễn Thị Xét) vẫn tiếp tục kế thừa cái nghề bánh canh truyền thống của gia đình với quanh gánh đặt trên vai những người phụ nữ tần tảo. Việc buôn bán tuy cực nhọc, vất vả nhưng khá phát đạt. Từ đó, gia đình họ gắn bó luôn với… nghiệp bánh canh. Thế hệ của bà Ba Xi tính ra là đời thứ 3 kế nghiệp.


0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments