Không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp của những ngôi chùa cổ kính hay tham gia các lễ hội vui tươi, rực rỡ bản sắc ba dân tộc Kinh, Hoa và Khmer, du khách còn được thưởng thức những món bánh ngon lạ của Sóc Trăng. Đặc sắc nhất phải kể đến là bánh pía, vị ngọt thanh và hương thơm nguyên chất của trái sầu riêng, đặc sản của vùng sông nước Nam Bộ.
Bánh pía hình tròn, dẹt, có nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân đậu xanh (hoặc khoai môn, mứt các loại) mỡ heo, lòng đỏ trứng vịt muối… Bánh pía Sóc Trăng không khô cứng như các loại bánh ở các vùng, miền khác. Bánh pía mềm, ngọt đậm. Đặc biệt mùi sầu riêng quyện với đậu xanh, mỡ heo béo ngậy… dễ kích thích vị giác của người thưởng thức. Để có thể phục vụ cả những người ăn chay, bánh pía cũng được chia thành 2 loại chay, mặn.
Để bánh pía có được mùi vị, màu sắc hấp dẫn, phải qua rất nhiều công đoạn như: trộn, cán mỏng, cuốn tròn… những khối bột dẻo dai, mịn màng để tạo ra những lớp vỏ tang ôm lấy nhân bánh thơm lựng phía trong. Đặc biệt nhất trong miếng bánh pía Sóc Trăng là phần nhân sầu riêng. Không sử dụng hương liệu, sầu riêng nguyên trái được chọn từ khắp các miệt vườn, chủ yếu ở miệt vườn Vĩnh Long, sau đó tách lấy thịt, trộn mỡ heo xắt sợi. Bánh hoàn tất được thoa thêm một lớp lòng đỏ trứng, sắp ngay ngắn lên xửng rồi đưa vào lò nướng ở nhiệt độ trung bình khoảng 270 độ C. 15 phút sau, bánh chín, màu ươm vàng, quyện mùi sầu riêng thơm ngọt rất tuyệt vời. Điều là bánh không thể một lúc ăn được nhiều nhưng nếm lai rai thì không biết chán.
Vào mùa Trung thu, người Sóc Trăng, trong lễ cúng trăng, không bao giờ thiếu bánh pía, cái “hồn” của người dân vùng đất pha trộn bản sắc văn hoá Kinh, Hoa, Khmer thật thà chân chất.
Người Sóc Trăng lâu nay có thói quen biếu tặng bánh pía cho nhau trong mỗi dịp Cúng Trăng (rằm tháng 10 âm lịch) hoặc lễ tết như một cách để bày tỏ tình thân ái. Tất cả đều thấm đẫm trong hương vị ngọt ngào đậm đà, chân chất của một vùng quê Nam Bộ, nơi giao thoa bản sắc văn hoá của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Kh’mer. Không chỉ vậy, giờ đây, bánh pía Sóc Trăng còn là một sản phẩm đặc trưng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, quảng bá văn hóa và du lịch của địa phương.