Vườn quốc gia U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau. Địa giới hành chính nằm trên hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.Vườn quốc gia U Minh Hạ được thành lập trên cơ sở sáp nhập Khu bảo tồn thiên nhiên rừng đặc dụng Vồ Dơi và một phần diện tích rừng tràm U Minh Hạ, có tổng diện tích 8.286 héc ta, chia làm ba khu vực, gồm khu dịch vụ hành chính, khu phục hồi sinh thái và khu bảo tồn
U Minh Hạ là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành. Thực vật đặc hữu ở đây là các loài: tràm, móp, trảng năn, sậy … Động vật đặc trưng là: rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng…
Ngày 26 tháng 5 năm 2009, U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Ở U Minh Hạ, bạn có thể thuê thuyền bơi vào sâu trong rừng để câu cá. Mùa hè và những ngày cuối tuần có khá nhiều khách ở TPHCM và các tỉnh khác về thưởng thức thú ẩm thực rừng và câu cá thư giãn. Nếu may du khách có thể câu dính nhiều chú cá lóc hoặc cá bông trên dưới một ký, hoặc có khi nặng đến hai, ba ký là chuyện không hiếm. Ở U Minh Hạ, cá tự nhiên còn khá nhiều do rừng được bảo tồn nghiêm ngặt.
Bạn sẽ có cảm giác thú vị khi ngồi dưới tán rừng tràm lai rai cá lóc nướng trui hay rắn bông súng chấm muối hột đâm với ớt hiểm xanh! Rau rừng ở đây rất phong phú, du khách có thể tìm hái đọt choại, lá sen non, bông súng ma, rau mác, bông lục bình, đọt cóc kèn… hầu như có khắp nơi.
Đêm xuống, ngồi quanh bếp lửa hồng trong rừng tràm hay ngả lưng trên chiếc ghế mây của khu nhà sàn, du khách sẽ nghe những người dân địa phương, những “lão lâm” một thời ngang dọc trên những cánh rừng bạt ngàn tràm hoang, lau sậy kể chuyện đường rừng.
Các truyền thuyết rừng U Minh
Truyền thuyết Ông hổ mây
Chuyện xưa kể rằng, U Minh Hạ nằm ở bờ nam sông Trèm Trẹm trải dài ra tận mép biển tây liền với vịnh Thái Lan. Xưa kia, rừng U Minh Hạ đã từng có mãng xà khổng lồ, dân gian kinh sợ gọi là Ông hổ mây. Mãng xà đi đè rạp lau sậy thành lằn dài như vết ghe xuồng đẩy trên lúa, “xơi tái” những con nai, mễnh, heo rừng, khỉ vượn và từng đánh nhau với cọp.
Nhưng người ta bảo rằng, Ông hổ mây chưa bao giờ ăn thịt người. Con rắn khổng lồ này, theo mô tả của những người đã từng “đụng mặt” (?) kể lại: nó có mình dài hơn hai chục mét, da, vảy mốc thếch, vàng nhạt và có hình như trái mây già, trên lưng rắn có hai sọc đen cạnh hông như hai dây cương, mắt to xếch màu đỏ hồng, trên đầu có mồng như mồng gà trống Tàu. Mãng xà di chuyển bằng cách quăng, lướt mình trên đọt cây tạo ra tiếng gió rít, lá rụng rào rào. Muông thú hoảng kinh chạy, bay tứ tán khi đánh hơi thấy mùi rắn hổ mây. Đôi khi mãng xà túng mồi, cũng phải tát cá ăn bằng cách quấn đầu và đuôi vào hai thân cây như giăng võng rồi ép dẹp mình ra tát đìa bắt cá.
Giữa rừng khuya hoang vắng lạnh lẽo, bên ánh lửa bập bùng nghe tiếng gió thổi vi vu qua đồng bưng, đầm lầy cùng với thi thoảng tiếng chim kêu, vượn hú, du khách như sống lại thời quá khứ, thuở tiền nhân ta khai khẩn đất phương nam được truyền khẩu và ghi lại trong sách vở.
Người săn hổ cuối cùng
Ở rừng U Minh ngày nay vẫn thường nghe kể chuyện những thợ săn huyền thoại ở miệt “xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha” này. Nhiều người trong họ nay đã gối đầu về với tiên tổ. Nhưng vẫn còn một thợ săn hổ lừng danh ngày nào đang lặng lẽ sống ẩn dật với bao kỷ niệm rừng thiêng nước độc U Minh khó quên.
Tìm lại huyền thoại Từ thành phố Cà Mau, tôi tìm về Hòn Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời. Những người trẻ chạy xe ôm ở đây đều lắc đầu khi nghe tôi hỏi thăm ông Tám thợ săn. Thời họ sinh ra, rừng U Minh đã cạn kiệt lắm rồi. Bất ngờ một lão nông đang lưới cá ven sông hỏi lại: “Tìm ông Tám Ảnh đánh hổ hả? Nhà ổng ở miệt dưới xã Khánh Bình Tây. Ở đây, phải hỏi ông đánh hổ người ta mới biết, chứ hỏi thợ săn thì nhiều lắm”. Nhà ông Tám Ảnh nằm cặp con kênh đào. Ông Tám Ảnh đang đi lấy nước, hai tay xách nhẹ nhàng hai xô 20 lít. Nếu ông không tự giới thiệu, có lẽ hiếm ai tin nổi ông đã 83 tuổi. Nghe tôi hỏi chuyện săn hổ, ông cười khà khà: “Ờ, thì hồi đó rừng U Minh vẫn còn hổ. Mình ở giữa rừng đụng nó, nếu không hạ nó thì nó cũng vồ mình”. Ông tên thật là Tạ Văn Ảnh, được bà mụ cắt rốn chôn nhau ở huyện Ngọc Hiển. Thời trai tráng, ông đã lang bạt khắp rừng U Minh Hạ, U Minh Thượng trước khi về định cư ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ông không chắc cụ cố mình có làm nghề thợ săn không, nhưng từ đời ông nội đến đời ông đều sống nhờ rừng. Tía ông từng là một thợ săn nổi tiếng ở cả miệt đất rừng U Minh. Ông Tám Ảnh mới 11 tuổi đã được tía tập tành cho theo săn. Tía bắt ông dầm nước đìa lạnh buổi sáng, phơi lưng trần buổi trưa để chịu đựng thiên nhiên khắc nghiệt. Tía dạy ông cách sử dụng giáo nhọn và các đường roi chiến đấu với thú dữ trong rừng. Những lần đi săn, tía cũng dẫn ông đi theo học cách nhận biết dấu hiệu các loài thú và bí quyết đặt bẫy. 16 tuổi, Tám Ảnh đã trở thành một thợ săn thiện nghệ. Tuổi tác tía ông dần xế bóng, ít đi săn dần. Tám Ảnh bắt đầu thay cha lo cho gia đình.
Thuở Tám Ảnh còn trai tráng, rừng U Minh Hạ vẫn còn nhiều thú vô kể. Ông một mình một giáo bịt đầu thép dài 1,5 m với đàn chó sáu con lang thang trong rừng, cả xóm có thịt ăn. Nhiều bạn săn lớn tuổi, già nghề hơn cũng phải trọng Tám Ảnh. Ông không chỉ có nhiều ngón nghề săn bắt độc, mà còn khét tiếng gan lỳ dám đánh hạ cả hổ. Tám Ảnh không cố tình săn hổ. Cũng như nhiều người sống nhờ rừng khác, ông tin rừng thiêng nước độc luôn có chủ nhân của rừng núi. Và hổ lại là “chúa sơn lâm”, thợ săn nên tránh nó nếu không cần thiết. Tuy nhiên, nghiệp ngày đêm lần mò trong rừng khiến ông không thể giữ được kiêng kỵ này. “Nhiều đêm tui vẫn nằm mơ…” Một buổi chiều, ông và tía thu bẫy bắt được con heo rừng. Hai tía con đang lom khom chuẩn bị xuống xuồng về nhà thì nghe một tiếng gầm ngay sau lưng. “Đụng ông hổ rồi!”, tía ông la lên. Tám Ảnh chưa chạm trán hổ lần nào, nhưng vẫn bình tĩnh xoay người lại, hai tay thủ chắc cây giáo để tía xuống xuồng trước. Con hổ bự hơn ba giạ lúa ngồi chồm chồm cách chỉ mấy mét. Mắt nó long lên dữ tợn. Trong đầu Tám Ảnh văng vẳng lời tía từng dạy: “Đụng hổ phải bình tĩnh mới giữ mạng được. Phải ngó đuôi nó, nếu nó đập đuôi là chuẩn bị vồ. Nó đập đuôi qua trái thì sẽ nhảy sang phải, nếu đập đuôi bên phải thì sẽ nhảy bên trái. Mình phải nhảy ngược lại, mới tránh được cú vồ của nó”. Những mạch máu trong người Tám Ảnh căng lên. Lúc này, tía ông cũng đã lấy được mái dầm dưới xuồng lên phụ với cây giáo nhọn của con. Bất ngờ, con hổ rùng người đập đuôi sang trái. Tám Ảnh cũng vừa nhảy lách sang trái thì bóng con hổ đã lao ụp tới. Không kịp đâm nữa, Tám Ảnh xoay hông, dùng hết sức đánh đòn giáo phạt ngang như đốn cây mà tía đã từng truyền dạy. Thân cây giáo bằng gỗ quí, bự hơn nửa cổ tay Tám Ảnh lia trúng ngay cổ con hổ. Bị dính đòn hiểm, nó đau đớn rơi phịch xuống đất. Đàn chó săn nãy giờ thấy hổ chỉ đứng cúp đuôi, cũng nhao nhao nhào tới. Con hổ gầm lên, rồi phóng thẳng vào rừng. Tía vỗ vai Tám Ảnh khen con và dặn dò: “Từ bận này, con đi rừng phải thiệt cẩn thận. Hổ nó biết oán thù, thế nào cũng sẽ tìm con”.
Đúng ba tháng sau, con hổ này quay lại tìm Tám Ảnh thật. Lần này, ông đi rừng một mình. Đang lom khom đặt bẫy, ông ngửi thấy mùi khét. Biết có chuyện bất thường, ông xoay mặt lại hướng gió thì con hổ đã nhảy vồ đến. Bị bất ngờ, nhưng đã có kinh nghiệm từ lần trước, ông nhảy lách sang bên tránh kịp trong nháy mắt. Vuốt hổ sượt qua, vồ dính cái nón ông đang đội trên đầu. Vuột mồi, con hổ cay cú nhảy vồ tiếp. Lần này, Tám Ảnh quyết định dùng đòn hiểm để ăn thua đủ với con thú dữ này. Ông không thèm nhảy tránh nữa, mà tự té ngửa ra, hai tay cầm chặt cán giáo đâm thẳng vào cổ con hổ đang nhào lên người ông. Tiếng gầm khủng khiếp vang lên, một tia nước nóng gì đó phụt thẳng vào mặt Tám Ảnh. Trong nháy mắt, cổ con hổ đã bị ngọn giáo đâm xuyên thấu. Nó lồng lên một hồi rồi mới chịu nằm bất động và tắt thở. Tám Ảnh người đỏ máu hổ, kéo xác hổ xuống xuồng, chở về thẳng xóm. Ông cắt hết râu nó trước khi giao cho dân làng xẻ thịt, vì các thợ săn đều tin rằng râu hổ có thể chế thành thuốc độc hại người. Đời săn lang bạt trong các cánh rừng U Minh Hạ, U Minh Thượng của ông Tám Ảnh còn gặp hổ nhiều lần nữa. Về sau ông Tám Ảnh đi bộ đội, bị ù tai vì thủy lôi, nhưng vẫn không từ bỏ hẳn những chuyến đi săn. Là người cắt rốn chôn nhau ở rừng, ông tin chuyện linh thiêng ở rừng xanh. Ông đi săn chỉ vì miếng ăn hằng ngày và chia cho bạn bè, hàng xóm nghèo khó, chứ dứt khoát không bao giờ bán lấy một đồng nào. Mãi sau năm 1975, ông mới giã từ hẳn giáo, bẫy, ở nhà làm ruộng kiếm sống. Bây giờ, ngồi ôn lại chuyện xưa, ông Tám Ảnh lưu luyến: “Nhiều đêm tui vẫn nằm mơ thấy mình đang cùng đàn chó đi săn”. Ông có chín người con và đàn cháu đầy nhà. Nhưng không ai nối nghiệp tía, vì luật lệ và cũng vì rừng U Minh bây giờ không còn nhiều thú nữa. Những đêm trăng đẹp, gia đình quây quần trên manh chiếu trải ngoài sân, ông Tám Ảnh lại kể cho con cháu nghe: “Ngày xưa, rừng U Minh có một người săn hổ cuối cùng …”.
Truyện kể Bác Ba Phi – “Đặc sản” của đất rừng U Minh Hạ
Bác Ba Phi, tên thật là Nguyễn Long Phi (1884-1964), một con người có thật của vùng đất Cà Mau, là người nghệ sĩ dân gian có sức sáng tạo dồi dào. Ông sáng tác những câu chuyện hài hước, lan truyền rộng rãi trong nhân dân bằng con đường truyền miệng. Do được nhiều người say mê, nên sau khi ông mất, nhiều tác giả dân gian vô danh tiếp tục sáng tác theo phong cách truyện Bác Ba Phi. Vì vậy, truyện cười Bác Ba Phi trở thành một hiện tượng văn học, là sản phẩm văn hóa dân gian đặc sắc không chỉ của Cà Mau mà là của cả miền Tây Nam Bộ, hấp dẫn người nghe đến tận ngày nay.
Khác với truyện dân gian của nước ta cười là để châm chọc, phê phán… Chuyện bác Ba Phi là tiếng cười vui, được phát ra từ tấm lòng chân thành, bằng sự bất ngờ được thể hiện trong từng mẫu chuyện. Thực tế thiên nhiên giàu có, hào phóng của rừng U Minh trù phú với những con người cần cù, dũng cảm, hào phóng của miền đất U Minh là cội nguồn sản sinh ra chuyện bác Ba Phi độc đáo. Chính thực tế tự nhiên của rừng U Minh lạ lùng “con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh” đã gắn bó cuộc đời bác Ba Phi với quê hương xứ sở với chất sống dồi dào và dữ dội của tự nhiên là cơ sở hình thành nên chuyện bác Ba Phi.
Vị trí
0 Comments