Có nguồn gốc Thanh Hoá, làng gốm Thanh Hà được hình thành từ cuối thế kỷ 15 và phát triển mạnh cùng với cảng thị Hội An . Sảm phẩm gốm Thanh Hà được làm từ nguồn nguyên liệu chính là đất sét bởi những bàn tay điêu luyện của nghệ nhân và kỹ thuật truyền thống của làng nghề.
Mô phỏng tháp đồng hồ Bigben biểu tượng của nước Anh, nhà hát Sydney Opera của Australia, nhà thờ Đức Bà Paris… là những sản phẩm gốm độc đáo ở làng gốm 400 năm giữa phố cổ Hội An.
Du khách Mỹ thích thú khi về làng gốm Thanh Hà ở phố cổ Hội An (Quảng Nam). Theo nhiều tư liệu lịch sử, vào thế kỷ 16, 17, những người thợ thủ công từ Nghệ An, Thanh Hóa vào Thanh Hà (Quảng Nam) lập làng, xây dựng nên nghề gốm nức tiếng tài hoa, thiện nghệ dưới triều nhà Nguyễn. Từ xưa, làng gốm này đã nhộn nhịp, đông vui “trên bến dưới thuyền” đưa sản phẩm gốm đất nung trao đổi, bán buôn khắp nơi và xuất khẩu ra nước ngoài.
Tháp đồng hồ Bigben của cung điện Westminster, một cấu trúc tháp đồng hồ ở mặt Đông – Bắc của công trình Nhà Quốc hội ở Westminster, London – biểu tượng của nước Anh.
Nhà hát Sydney Opera, hình ảnh dễ nhớ nhất của đất nước Australia. Sản phẩm độc đáo này được nghệ nhân ở làng gốm cổ Thanh Hà chế tác suốt hơn 2 tháng theo đơn đặt hàng vượt qua mức giá 30 triệu đồng.
Mô hình nhà thờ Đức Bà ở Paris, nhà thờ công giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc gothic nằm giữa dòng sông Seine của Pháp. Sản phẩm này được nghệ nhân Lê Quốc Tuấn ở làng gốm cổ Thanh Hà chế tác hơn một tháng mới hoàn thành theo đơn đặt hàng trang trí nội thất cho công trình ở TP HCM trị giá 25 triệu đồng.
Tòa thánh Vatican – địa danh du lịch nổi tiếng của nước Ý cũng có giá hơn 25 triệu đồng. Nghệ nhân Lê Quốc Tuấn, hậu duệ của gia đình có 4 đời gắn bó với nghề làm gốm thủ công ở làng gốm cổ Thanh Hà cho biết, hầu hết đơn đặt hàng những sản phẩm thế này được dùng trang trí ở các công trình lớn tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… Ngoài ra, một số doanh nghiệp ở miền Trung còn đặt mô hình tháp Chămpa, các linh vật như Lân, Sư, Rồng… dùng trang trí theo tín ngưỡng tâm linh.
Nghệ nhân làng gốm hướng dẫn du khách làm sản phẩm gốm thủ công bằng bàn xoay. Bà Swartz Nita(người Mỹ) chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Việt Nam, ở lại phố cổ Hội An 3 ngày nhưng chúng tôi đã có nhiều trải nghiệm thú vị khi về thăm cuộc sống bình dị của người dân bản địa. Thích nhất là được người dân chỉ cách làm gốm thủ công giữa làng gốm cổ Thanh Bình. Trong năm tới, vợ chồng tôi sẽ đưa con, cháu tiếp tục về nơi đây”.
Sản phẩm “con heo đất” ngộ nghĩnh mang thương hiệu Hội An trước khi đưa vào lò nung. Theo nhiều nghệ nhân ở làng gốm cổ Thanh Hà, nhờ không ngừng cải tiến mẫu mã phù hợp với thị hiếu khách hàng nên khách quốc tế tham quan du lịch mua sản phẩm gốm ngày càng nhiều.
Trí Tín.
Vị trí
0 Comments