Khái quát chung Vườn quốc gia Ba Bể
Vườn Quốc gia Ba Bể nằm ở phía Tây Bắc huyện Ba Bể, cách thị xã Bắc Kạn 68km theo hướng Tây Bắc và cách thủ đô Hà Nội 250km về phía Bắc.
Khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể có tổng diện tích 44.750ha, trong đó: Vùng lõi 10.048ha, vùng đệm 34.702ha. Vùng lõi bao gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 3.931ha, phân khu phục hồi sinh thái 6.083ha, phân khu hành chính dịch vụ 34ha.
Hệ thống thủy văn của Vườn Quốc gia Ba Bể bao gồm các sông, suối: Chợ Lèng, Bó Lù, Tà Han, sông Năng và hồ Ba Bể. Hồ Ba Bể nhận nước từ các sông Tà Han, Bó Lù và Chợ Lèng ở phía Nam của Vườn Quốc gia với tổng diện tích lưu vực là 420km2. Hồ Ba Bể nằm ở độ cao 150m so với mặt biển, có diện tích 450ha, độ sâu trung bình của hồ Ba Bể là 17m đến 23m, chỗ sâu nhất đạt đến 29m
Hồ Ba Bể là hồ tự nhiên trên núi duy nhất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam, là một hồ kiến tạo tự nhiên lớn. Do cơ chế kiến tạo địa chất và thủy văn đặc biệt nằm trong vùng đá vôi, nhưng hồ Ba Bể không bị mất nước và đây chính là điều kỳ thú độc đáo của hồ Ba Bể.
Ba Bể là một trong những Vườn Quốc gia có độ che phủ và tỷ lệ rừng nguyên sinh cao trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam và các khu vực núi đá vôi trên thế giới. Khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể được che phủ trên 73,68% diện tích rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, trong đó kiểu rừng nguyên sinh ít bị tác động trên núi đá vôi được coi là mẫu chuẩn của hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi đặc trưng cho vùng Đông Bắc Việt Nam và thế giới.
Ba Bể có tính đa dạng cao với 1.268 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có loài bị đe dọa toàn cầu như: Nghiến, kim giao… Khu hệ động vật phong phú với 81 loài thú, 322 loài chim, 44 loài bò sát lưỡng cư, 106 loài cá, trong đó có nhiều loài bị đe dọa toàn cầu như : Voọc đen má trắng, Rái cá thường, Beo lửa, Vạc hoa…
Khu vực Hồ Ba Bể là khu có sự đa dạng của khu hệ các nước ngọt cao nhất trong hệ thống các khu bảo vệ của Việt Nam với 106 loài cá, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: Cá Chiên, cá Lăng, cá Võng. Sản lượng thủy hải sản đánh bắt hàng năm ở Hồ Ba Bể là nguồn thu nhập chủ yếu của một bộ phận dân cư sống xung quanh hồ.
Vườn quốc gia Ba Bể là nơi cư ngụ của hơn 3.000 cư dân, thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh. Người Tày là dân tộc định cư ở đây lâu đời nhất (hơn 2.000 năm) và cũng là tộc người chiếm đa số ở Ba Bể. Người dân cư ngụ tại 13 bản, trong đó có vài bản chỉ có duy nhất một tộc người sinh sống.
Ba Bể có nhiều hang động đẹp. Năm 1986, Ba Bể được công nhận là di sản văn hóa lịch sử Quốc gia. Năm 2003, Ba Bể được công nhận là Khu di sản của ASIAN. Ngày 02/2/2011, Vườn Quốc gia Ba Bể được Ban Thư ký Ramsar công nhận là Khu Ramsar thứ 1938 của thế giới và là khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam.
Hồ Ba Bể
Sau 200 km quốc lộ 3 để đến với thị xã Bắc Kạn, con đường rẽ từ Phủ Thông ngoằn ngoèo qua núi qua đồi sẽ đưa bạn đến rừng quốc gia Ba Bể.
Vào đúng lúc chúng tôi đã muốn rời khỏi xe vì thấm mệt, Ba Bể hiện ra trong một màu xanh đến nhức mắt. Thiên nhiên vòng một vòng tay rộng lớn ôm trọn trời và đất, gói lại, tạo nên một Ba Bể tách biệt. Một vài ngôi nhà sàn thấp thoáng sau những rặng cây xa thâm sẫm, mái ngói thâm đen và lẫn với màu của cỏ cây. Bản Pác Ngòi chỉ khoảng hơn hai chục mái nhà, đa phần đều đã mở làm dịch vụ homestay (ở cùng với người dân) cho khách. Bạn nên đặt trước khi muốn ngủ lại trong bản vì dù trong bản lúc nào cũng sẵn sàng có chỗ nghỉ, nhưng các dịch vụ ăn uống còn khó khăn, đồ ăn phụ thuộc vào đồ mua được ngoài chợ buổi sớm chứ không có sẵn trong nhà. Ngoài dịch vụ ngủ nghỉ, các nhà dân còn có dịch vụ dẫn khách đi thăm qua hồ Ba Bể, trekking các bản Tày và trekking rừng già trong khuôn viên rừng quốc gia Ba Bể…
Sau bữa ăn trưa, chúng tôi có một chiều thảnh thơi với sóng nước Ba Bể. Con thuyền máy nhẹ lướt trên mặt hồ xanh phẳng lặng. Một vài cánh cò trắng lặn lội nơi góc đảo xanh, lọ mọ kiếm ăn. Những chiếc thuyền độc mộc mảnh mai như những chiếc lá. Người dân trong vùng sống nhờ vào nguồn đánh bắt tôm cá trên hồ. Làn nước xanh xuyên đến tận đáy, soi bóng nắng và bóng cây, một màu xanh thăm thẳm phủ kín mặt hồ.
Thuyền lướt trôi trong ánh sánh mờ ảo của động Puông có chiều dài 300 m, cao hơn 30 m. Sự kỳ vĩ của hang động với những nhũ đá đủ muôn hình vạn trạng tuyệt đẹp. Khỏa đôi chân trần thong thả xuống dòng nước mát lạnh, tôi với cô bạn tán gẫu những câu chuyện linh tinh về đất trời cho đến khi cuộc nói chuyện bị đứt đoạn bởi tiếng thác nước đổ ầm ào phía trước.
Thác Đầu Đẳng đầu đông với những dải nước mảnh mai đã ở ngay trước tầm mắt. Lần trước khi đến với thác nước này, tôi đã được ngắm một dòng thác tung bọt trắng xóa ngoạn mục. Dòng sông Năng bị hàng trăm tảng đá lớn chặn lại khiến phải chia tách thành nhiều nhiều dòng nhỏ, nước chảy xiết tạo thành thác Đầu Đẳng hùng vĩ. Thác dài hơn 1.000m với ba bậc đá, mỗi bậc chênh nhau khoảng 3 đến 4 m theo chiều dài, tạo thêm nét hoang sơ và lãng mạn cho Ba Bể.
Vượt qua những cánh đồng lúa chín tít tắp, chúng tôi ghé thăm hang động Hua Mạ nổi tiếng, được nhiều người khen, cách bản Pác Ngòi khoảng 6 km. Để lên động Hua Mạ, bạn phải đi bộ khoảng 400 m lên đến cửa hang rồi thêm khoảng 300 m vào sâu trong động. Dù đường không phải quá cao cũng đủ làm chùn chân cả những người hăng hái nhất.
Người dân ở đây rất hiếu khách, chỉ cần ngỏ lời, bạn sẽ được mời về nhà, uống chén rượu ngô cay, nhấm nháp thịt heo mọi gác bếp. Hay hoà mình vào các làn điệu dân ca như hát then, si, lượn, múa khèn; các lễ hội truyền thống như hội Lồng tồng, hội xuân, đua thuyền độc mộc, võ dân tộc, bắn cung, bắn nỏ…
Vài năm nay, hồ Ba Bể đã trở thành địa điểm tham quan và nghỉ dưỡng cuối tuần, nơi bạn có thể hòa mình với thiên nhiên. Nơi chỉ có tiếng chim hót rộn rã, tiếng lá khô xào xạc dưới đôi chân, tiếng dòng nước lách chách dưới mạn chèo khua. Nơi bạn có thời gian nghỉ ngơi thực sự.
Vị trí
0 Comments