“Hoa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”(Tạm dịch: “Lửa cháy Nhật Tảo bừng trời đất. Kiếm phạt Kiên Giang khóc quỷ thần”)
Mượn lời nhà thơ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt để nói về người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Tám năm trời kiên cường bất khuất chống bọn xâm lược Pháp với bao kỳ công hiển hách và đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Rõ nét nhất với hai chiến tích lẫy lừng đã ghi điểm son trong trang sử nước nhà. Đó là đốt tàu Espérance (Hy vọng) của Pháp tại vàm sông Nhật Tảo (1861) và đánh chiếm đồn Tây Kiên Giang (1868)
Nguyên quán Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng (có sách ghi Nguyễn Cao Thăng), mẹ là bà Lê Kim Hồng.
Về sau, cha mẹ ông di chuyển vào Nam lập nghiệp, sinh sống tại làng Bình Nhựt, tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân An, thành Gia Định. Nay là ấp I, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ông được sinh ra tại đây.
Lúc mới sanh, ông được đặt tên là Nguyễn Văn Nhơn, sau đó đổi thành Lịch. Sau khi chiến thắng trận Nhật Tảo, vua Tự Đức sắc phong cho ông chức Quản Cơ Bình Thuận nên người ta thường gọi ông là Quản Nhơn hay Quản Lịch
Đến năm 1867 vua Tự Đức sắc phong cho ông chức Thành Thủ úy Hà Tiên. Ông đến nơi nhậm chức thì quân Pháp đã chiếm mất Hà Tiên trước đó vài ngày, ông lui về Hòn Chông (cách Hà Tiên 20km) lập căn cứ chống Pháp. Lúc bấy giờ ông đổi tên là Nguyễn Trung Trực cho đến ngày hy sinh.
Đình Thần Nguyễn Trung Trực
Được tin ngày 28-8 âm lịch năm 1868 (Mậu Thìn) Nguyễn Trung Trực bị xử trảm tại pháp trường Kiên Giang (bùng binh Bưu Điện Rạch Giá ngày nay), đồng bào Tà Niên đã cùng nhau dệt những chiếc chiếu hoa cả ngày lẫn đêm để kịp đem ra trải đường cho cụ Nguyễn bước ra pháp trường.
Tại pháp trường, trước giờ hành quyết, đồng bào đã dâng lên cho cụ mâm cơm thắm đượm tình quê hương dân tộc. Cảm kích trước tấm lòng đồng bào Rạch Giá, Cụ uống ly rượu sau cùng và ngâm bài thơ:
“Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,
Yên giang đởm khí hữu long tuyền.
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa,
Báo hận thâm cừu bất đái thiên”
Tạm dịch:
“Theo việc binh nhưng thuở trẻ trai,
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.
Anh hùng gặp phải hồi không đất,
Thù hận chang chang chẳng đội trời.”
(Thi Hồ dịch)
Nguyễn Trung Trực là anh hùng không để đầu rơi xuống đất. Khi đao phủ thi hành án, Cụ đưa tay bưng đầu gắn vào cổ, trừng mắt nhìn bọn Pháp làm chúng hoảng sợ bỏ chạy. Những giọt máu Cụ rơi xuống chiếu hiện thành chữ Thọ.
Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đã xúc cảm viết nên:
“Anh hùng cường cảnh phương danh thọ,
Tu sát đê đầu vị tử nhân”
Hằng năm cứ đến ngày 26, 27, 28 tháng 8 âm lịch, hằng trăm ngàn đồng bào từ mọi miền đất nước hành hương về dự lễ hội kỷ niệm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Các câu chuyện về Nguyễn Trung Trực
Ông dạy võ cho nghĩa quân để đánh giặc thù, ở các trường võ như Tà Niên, Hòn Chông, Sân Chim… Có một hôm ông đang dạy võ cho nghĩa quân ở Tà Niên, ông thấy đàn quạ đậu bên kia bờ rạch (rạch Tà Niên rộng hơn 10 thước), ông liền biểu diễn cho nghĩa quân xem bằng cách ông dùng roi chống bật người từ bờ rạch bên này, sang bờ rạch bên kia, khi rơi xuống đất vẫn đứng vững, hai tay nắm hai con quạ, gương mặt không lộ vẻ gì mệt mỏi cả.
Đêm đánh đồn Kiên Giang, nghĩa quân nằm phục kích bên vách đồn chờ giờ hành động, thì có một con rắn mái gầm to từ xa bò đến, nó ngóc đầu toan mổ nghĩa quân. Từ xa nhìn thấy, ông liền phóng mình tới, một tay nắm đầu, một tay nắm mình, ông bứt ra làm đôi rồi quăng đi. Trong lúc đang tấn công đồn Tây Kiên Giang, có hai tên lính Pháp chĩa súng vào ông định bắn. Nhưng chưa kịp bóp cò thì ông phi thân đến, nắm đầu hai thằng đánh “cốp” vào nhau một cái, sọ chúng vỡ ra, giẫy giụa chết luôn.
Có một truyền thuyết khác nói: Khi ở Phú Quốc, nghĩa quân bị Pháp bao vây toàn đảo, cấm không cho ai giúp đỡ nghĩa quân. Nếu ai giúp đỡ hay liên hệ gì với nghĩa quân sẽ bị tù đày hoặc tử hình, bêu đầu giữa chợ… Lúc bấy giờ nghĩa quân lâm vào cảnh đói khát. Ông liền tổ chức nghĩa quân cùng ông đi ra biển bắt cá về ăn. Trong lúc thuyền đang rẽ sóng trên mặt biển, ông thấy bầy cá mập đang lội, ông liền cầm đao nhảy xuống biển rượt giết được cá quăng lên thuyền. Lại còn một chuyện nữa cũng không kém phần sinh động, khi nghĩa quân cũng đang lâm vào tình trạng đói khát. Ông lo lắng và tìm cách giải quyết thì có một nghĩa quân chạy đến báo với ông rằng hiện giờ có một bầy trâu rừng đang ăn cỏ ở sườn đồi. Ông liền cho nghĩa quân tổ chức vây bắt. Đàn trâu bị động chạy tuốt lên rừng chỉ còn hai con lọt xuống đìa, có một con cố vượt lên bờ, ông vội đuổi theo nắm được đuôi nó, nó lôi ông theo. Khi đến gần một cây to, ông liền ngoay đuôi nó vào thân cây và hai chân ông dang ra ngáng vào gốc cây chịu lại. Con trâu đang chạy ngon trớn bỗng bị khựng lại, nó quay đầu húc ông. Thừa cơ hội đó, ông nắm hai sừng lôi nó xuống đìa nhận nước. Lúc đó nghĩa quân tràn đến giết được cả hai con trâu.
Vị trí
0 Comments