Cù lao Chàm là một cụm đảo, về mặt hành chính trực thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15 km và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Dân số trên các hòn đảo này gồm khoảng 3.000 người.
Nơi đây với nhiều di tích lịch sử tiêu biểu, thuộc các nền văn hoá Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt. Ở Cù Lao Chàm có số lượng di tích tín ngưỡng và khảo cổ lớn với 27 di tích thuộc nhiều loại hình và niên đại khác nhau. Nhiều di tích đã đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào năm 2006.
Di tích Bãi Ông là nơi cư trú của cư dân Tiền Sa Huỳnh và là di tích có niên đại xưa nhất ở Hội An (3.000 năm). Di tích Bãi Ông còn là đối tượng quan trọng để nghiên cứu về Văn hoá Tiền Sa Huỳnh ở cả miền Trung nước ta.
Di tích khảo cổ Bãi Làng cũng là một di tích quan trọng của hệ thống di tích khảo cổ Chăm Pa ở Hội An và miền Trung. Ở đây, ngoài những hiện vật bản địa còn có nhiều hiện vật gốm, thủy tinh của Trung Đông, Ấn Độ, Trung Hoa từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10.
Bên cạnh các di tích khảo cổ là sự tồn tại khá đầy đủ thiết chế văn hóa tín ngưỡng truyền thống của làng xã miền Trung nước ta. Các di tích tín ngưỡng hiện còn ở Cù Lao Chàm được xây dựng chủ yếu vào khoảng thế kỷ 17-18 như đình Đại Càn, miếu thờ Thành hoàng, miếu Tiền hiền, miếu Thần nông, miếu Tổ nghề yến, lăng Ông Ngư, lăng Cô, giếng Xóm Cấm…
Đặc biệt, ở Hòn Lao có chùa Hải Tạng thuộc hệ phái Phật giáo Đại thừa được xây dựng vào thế kỷ 18, là công trình khá đẹp, có qui mô lớn với kiến trúc kiểu “chồng rường giả thủ” chia 3 gian 2 lòng, có hậu tẩm, kết cấu vì kèo gỗ và các chi tiết kiến trúc được chạm trổ công phu.
Chùa Hải Tạng là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thờ Phật kết hợp thờ Thánh Thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân trên đảo và để các thương thuyền xưa, du khách nay ghé vào hành lễ. Chùa Hải Tạng được gắn với nhiều truyền thuyết hay và tên chữ Hải Tạng mang hàm ý đẹp: Kinh tạng của Nhà Phật nơi đây được hội tụ từ mọi con đường trên biển.
Cù Lao Chàm có khí hậu quanh năm mát mẻ, có hệ động thực vật đa dạng, phong phú. Cây cối bốn mùa phủ xanh trên các hòn đảo. Các rặng san hô ở khu vực biển đã được các nhà khoa học đưa vào danh sách bảo vệ. Nơi đây là địa bàn sinh sống của loài chim yến – một yếu tố quan trọng để hình thành nên nghề khai thác yến sào nổi tiếng ở Hội An.
Trên các sườn đảo có nhiều cua đá. Ở Cù Lao Chàm có hội những người chuyên bắt và yêu thích cua đá với ý tưởng thành lập “ngân hàng cua đá” và xây dựng hương ước cộng đồng bảo vệ và khai thác bền vững đảo…
Tất cả những nét chấm phá nêu trên, cùng với biển xanh và tiếng sóng xô ngày đêm; những bãi biển hoang sơ và cát trắng mịn màng bao quanh chân đảo; những khóm nhà thưa thớt, bình yên cùng lối sống mộc mạc, chất phác của ngư dân miền đảo, Cù Lao Chàm đã tạo nên bức tranh độc đáo và ấn tượng trong lòng mỗi du khách.
Ngày 29.5.2009, với hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử hàng trăm năm trước, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới
Vị trí
0 Comments