Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một viện bảo tàng về lĩnh vực dân tộc học của Việt Nam, trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
Ý định xây dựng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được hình thành từ năm 1981. Ngày 14 tháng 12 năm 1987, công trình Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được chính thức phê duyệt luận chứng kinh tế – kỹ thuật với diện tích xây dựng 2.500m² (1987), 9.500m² (1988) và toàn bộ 3,27 ha (1990). Ngày 24 tháng 10 năm 1995, Viện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chính thức được thành lập. Bảo tàng khánh thành vào ngày 12 tháng 11 năm 1997.
Công trình Viện Bảo tàng Dân tộc học do kiến trúc sư Hà Đức Lịnh, người Tày thiết kế. Nội thất được thiết kế bởi nữ kiến trúc sư Véronique Dollfus (người Pháp). Bảo tàng gồm ba khu trưng bày chính:
- Khu trưng bày trong tòa Trống Đồng: không gian trưng bày thường xuyên giới thiệu 54 dân tộc ở Việt Nam trải rộng trên 2 tầng của toàn nhà; 2 không gian giành cho các trưng bày nhất thời, luôn luôn được đổi mới tuỳ theo chủ đề trưng bày
- Khu trưng bày ngoài trời: là một vườn cây xanh trong đó có 10 công trình dân gian với các loại hình kiến trúc khác nhau.
- Khu trưng bày Đông Nam Á: Khởi công xây dựng vào năm 2008
Ngoài ra là khu vực cơ quan: cơ sở nghiên cứu, thư viện, hệ thống kho bảo quản hiện vật…
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật văn hoá của cả 54 dân tộc Việt Nam gồm 15.000 hiện vật, 42.000 phim (kèm ảnh màu), 2190 phim dương bản, 273 băng ghi âm các cuộc phỏng vấn, âm nhạc, 373 băng video và 25 đĩa CD-Rom (tính đến năm 2000). Các hiện vật này được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau như: dân tộc, công dụng, y phục, trang sức, nông cụ, ngư cụ, vũ khí, đồ gia dụng, nhạc cụ, tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay và nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác.
Khu trưng bày thường xuyên trong toà Trống Đồng giới thiệu tất cả 54 dân tộc ở Việt Nam. Ở đây có nhiều hiện vật thông dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đặc biệt phong phú là đồ vải của các dân tộc, như khố, váy, khăn… được trang trí bằng các kỹ thuật truyền thống khác nhau; đồ đan, nhất là các loại gùi, giỏ, mâm; những nhạc cụ bằng tre, vỏ bầu khô; các hiện vật nghi lễ… Cùng với hiện vật, trong các phòng trưng bày còn có ảnh và phim tư liệu, phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể, phi vật thể, những nét tiêu biểu trong đời sống và sự sáng tạo của các tộc người.
Để phục vụ đầy đủ khách tham quan, tất cả các thông tin trong trưng bày, các bài viết cũng như các chú thích, đều được thực hiện bằng 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Bảo tàng còn soạn thảo nhiều tờ gập giới thiệu những nội dung chính, bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật…, phát miễn phí cho du khách.
Trong khu ngoài trời, có 10 công trình kiến trúc dân gian như: nhà rông của người Bana, nhà sàn dài của người Êđê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người Hmông, nhà ngói của người Việt, nhà sàn thấp của người Chăm, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ tập thể của người Giarai và nhà mồ cá nhân của người Cơtu. Trong khu vườn đầy cây xanh này còn có ghe Ngo của người Khơme và cối giã gạo bằng sức nước của người Dao. Trước nhà Việt, vào các thứ Bảy và Chủ nhật có biểu diễn rối nước của các phường rối dân gian đến từ các làng khác nhau.
Tổng hợp từ nhiều nguồn
Vị trí
0 Comments