Sử liệu và phong tục thờ cúng Hùng Vương
Xã hội Việt Nam truyền thống dựa trên ba yếu tố nền tảng: nhà – làng – nước. Từ đây hình thành nên cung cách ứng xử mang bản sắc riêng, là lấy khuôn ứng xử gia đình, gia tộc mở rộng ra ứng xử xã hội, nói cách khác là “gia tộc hóa xã hội”.
Cũng vì thế mà từ xa xưa, người Việt Nam đã coi quốc gia – dân tộc như là một gia đình lớn. Nếu mỗi gia đình đều có cha mẹ, có tổ tiên, ông bà, thì đất nước, quốc gia cũng có cha Rồng, mẹ Tiên, có Quốc tổ Hùng Vương, có câu “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. Từ đây hình thành nên ý thức về cội nguồn, hướng về cội nguồn.
Ở Việt Nam, việc ghi chép lịch sử và phong tục thờ cúng Hùng Vương xuất hiện khá muộn, nhưng trong tâm thức người dân, điều đó được thể hiện qua những huyền thoại, truyền thuyết, phong tục… và thường được gắn với thời kỳ cổ sơ nhất, khi hình thành dân tộc, hình thành quốc gia và văn hóa truyền thống.
Tên tuổi Quốc tổ Hùng Vương được phản ánh trong hai hệ thống: trong truyền thuyết dân gian và trong cổ sử. Trong hệ thống truyền thuyết dân gian, đó là hệ thống truyện về Họ Hồng Bàng, Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ trăm trứng, nở thành trăm người con, con cả ở tại Văn Lang (Phong Châu) lấy hiệu là Hùng Vương. Về sau, các truyền thuyết đều được ghi lại trong Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV), Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp (thế kỷ XV)…
Và thư tịch viết về Hùng Vương cũng xuất hiện khá muộn. Trong danh sách phong thần lần đầu của thời Trần (1285) có ghi các tên tuổi các danh thần như Tản Viên, Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Sỹ Nhiếp…, nhưng chưa nhắc đến Hùng Vương. Tài liệu lịch sử nhắc đến Hùng Vương là Việt Sử lược (bộ sử khuyết danh được viết vào khoảng thế kỷ XV, sau này Toàn Thư thời nhà Thanh trích dẫn: :Thời Chu Trang Vương (khoảng thế kỷ IX trước công nguyên) ở vùng Giang Ninh có một dị nhân có khả năng dùng phép thuật thần kỳ để thần phục các bộ lạc ở đó và tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang và đặt quốc hiệu là nước Văn Lang, biết cách ghi chép sự kiện bằng cách thắt các nút dây thừng và biết làm chính trị, truyền được 18 đời tự gọi là Hùng Vương”.
Năm 1470, Lê Thánh Tông cho lập “ngọc phả Hùng Vương”, coi đó là Vua thủy tổ của dân tộc, đến thời Ngô Sỹ Liên, ông đưa chuyện Quốc tổ Hùng Vương vào chính sử, mục truyện họ Hồng Bàng, phần ngoại kỷ. (Có tư liệu còn cho rằng, có tồn tại ngọc phả Hùng Vương soạn năm Thiên Phúc nguyên niên (986) thời Lê Đại Hành, hay ngọc phả khác soạn năm Hồng Phúc nguyên niên thời Lê Anh Tông?).
Tuy nhiên, đến thế kỷ XV thời nhà Lê, thì Quốc tổ Hùng Vương đã được chính thức hóa trên phương diện lịch sử và việc hằng năm tổ chức thờ phụng.
Từ đó, trải qua thời Tây Sơn và nhà Nguyễn (tới năm 1945) cũng như dưới chính thể Việt Nam mới, dù ở miền bắc hay miền nam (đến năm 1975), người Việt Nam đều vun đắp cho việc thờ phụng Quốc tổ Hùng Vương.
Việc hệ thống lại các huyền thoại Hùng Vương, từ đó soạn thảo ngọc phả Vua Hùng, rồi đưa Hùng Vương vào chính sử là một nhu cầu của lịch sử xã hội Việt Nam thời Đại Việt.
Đó là quá trình xây dựng và củng cố quốc gia phong kiến tập quyền tự chủ, cần xây dựng một biểu tượng cho tinh thần cố kết quốc gia – dân tộc, là chỗ dựa tinh thần của dân tộc trước sức ép của sự đe dọa xâm lược của các thế lực phong kiến bên ngoài.
Tư tưởng cội nguồn, ý thức cố kết quốc gia dân tộc này được thể hiện ngay trong đôi câu đối trước cổng đền Hùng: “Thác thủy khải cơ, tứ cố sơn quy bản tích – Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn” (Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối; Lên cao nhìn khắp, trập trùng đồi núi cháu con đông).
Trở thành Cội nguồn quốc gia
Vấn đề xây dựng biểu tượng và thực hành thờ cúng Hùng Vương (Vua Hùng) là vấn đề lớn của tín ngưỡng – văn hóa Việt Nam. Và cùng với biểu tượng và thực hành thờ cúng Vua Hùng là huyền thoại về “tứ bất tử” (bốn vị thánh bất tử) với Thánh Gióng tượng trưng cho sức mạnh chống giặc ngoại xâm; Thánh Tản Viên hay Sơn Tinh tượng trưng cho sức mạnh chinh phục tự nhiên; Chử Đồng Tử tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân và sự sung túc giàu có; Thánh Mẫu Liễu Hạnh tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, phúc đức, văn thơ…
Mỗi cộng đồng người từ xã hội nguyên thủy bước vào xã hội văn minh đều có xu hướng tập hợp, thống nhất lại từ các bộ lạc nhỏ bé và biệt lập. Mười lăm bộ thời Văn Lang thống nhất dưới quyền của Lạc tướng bộ Vũ Minh là Hùng Vương, người chỉ huy quân sự và chủ trì các nghi lễ tôn giáo.
Truyền thuyết cũ về sự tích 99 ngọn núi Hồng là hình tượng 99 con voi hướng về chầu Vua Tổ Hùng Vương, còn con voi duy nhất không chịu quy thuận đã bị tội chém đầu…
Xu hướng thống nhất ấy là một đòi hỏi của lịch sử, được thực hiện thông qua các hành động thần thuộc, liên kết mang tính tôn giáo và không loại trừ các hành động chiến tranh. Đó là thời đại anh hùng, thời đại dân chủ – quân sự, thời đại của những thủ lĩnh quân sự, mà về nhiều phương diện đã được phản ánh trong các sử thi anh hùng ca của nước ta thời cổ đại.
Các sự tích và huyền thoại về các vị thần linh mà tập trung nhất trong bốn vị thần linh bất tử, đã thâu tóm lịch sử cụ thể và hiện thực thành một loại sản phẩm tinh thần mang đầy tính thi hứng và thẩm mỹ, như một bản hùng ca được truyền tụng, vang vọng mãi tới mai sau.
Đó là những cột mốc, những nhân tố cơ bản tạo nên hệ ý thức Việt Nam buổi đầu thời kỳ hình thành và định hình quốc gia tự chủ. Và kết tinh thành ký ức lịch sử, một thứ minh triết để từ đó, trở thành một giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa, nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Quá trình hình thành hệ ý thức, ký ức lịch sử thời Vua Hùng là kết quả của sự vận động lịch sử, vừa là sản phẩm của văn hóa bình dân, văn hóa dân gian, thông qua các huyền thoại, truyền thuyết, các phong tục nghi lễ thờ tổ tiên của các gia tộc, dòng họ nơi thôn dã, lại vừa là sự kết tinh ý thức của văn hóa bác học của các nhà trí thức, các bậc minh quân của các triều đại.
Quá trình này là sự kết hợp của sự vận động từ dưới lên (dân gian, cộng đồng), lại vừa từ trên xuống (nhà nước, sĩ phu); đồng thời lại vừa tích tụ từ ngoài vào, lại vừa lan tỏa từ trong (trung tâm) ra. Nếu thiếu một trong hai nhân tố song đôi như: trên – dưới, trong – ngoài, nhà nước – cộng đồng thì không thể tạo nên tín ngưỡng Hùng Vương với tư cách là biểu tượng cội nguồn của quốc gia – dân tộc, không thể có phong tục thờ cúng Quốc tổ Hùng Vương như hiện nay.
Việc sáng tạo nên biểu tượng cội nguồn và việc tôn thờ như một tín ngưỡng, ít nhất cũng trải qua hơn 500 năm đến nay, thật sự là một kết nối lịch sử, vượt qua rào cản của các triều đại phong kiến, vượt lên trên sự khác biệt của các chế độ xã hội; vượt qua cả sự khác biệt tôn giáo, dù đó là Phật, Đạo, Nho, các tín ngưỡng dân gian,… để chỉ có biểu tượng cội nguồn là duy nhất. Đây thật sự là giá trị văn hóa chính trị đích thực, vượt lên trên mọi thời đại và triều đại. Tất cả những điều này, từ việc xây dựng biểu tượng cội nguồn Vua tổ Hùng Vương đến những thực hành tín ngưỡng văn hóa thờ phụng, rất cần được nhân dân ta tự hào, gìn giữ và tôn vinh.
GS, TS Ngô Đức Thịnh
ĐỀN THỜ VUA HÙNG
Nằm trong vùng đất thấp phía Tây Bắc thành phố Việt Trì Khu di tích đền Hùng chia làm 3 phần: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Cổng đền Hùng đuợc xây vào năm Khải Định thứ 2 (1917), theo kiểu vòm cuốn cao 8,5cm, 2 tầng, 8 mái, lợp dạng ngói ống. Bốn góc tầng mái trang trí rồng đắp nổi 2 con nghê, nửa cột trụ là cổng đắp nổi phù điêu 2 võ sĩ.
Đền Hạ được xây dựng vào thế kỷ XVII-XVIII. Tương truyền đây là nơi mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng. Kiến trúc đền theo kiểu chữ Nhị gồm 2 tòa tiền bái và hậu cung, mỗi tòa 3 gian cách một khoảng lộ thiên 1,5m. Kiến trúc đơn sơ, kèo cầu suốt, 7 gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước, 2 bên đắp phù điêu một bên voi một bên ngựa. Tiền bái nhỏ thấp, lòng nhà rộng 4,7, dài 8,2m, mái trước cao 1,7m, mái sau cao 2,4m.
Tòa hậu cung gồm 3 gian, được xây bít đốc, tường hậu, quá giang gối tường, trên là kèo, cầu cài nóc. Tường hậu giáp bệ thờ đắp hình nổi (long chầu nguyệt). Phía trước hậu cung có 3 cửa, 3 gian và 3 đầu đốc có 4 bệ thờ. Trên bệ thờ đặt long ngai, bài vị, chính giữa đồ thờ được bày kiểu thất sự, hai bên bày ngũ sự, đầu đốc bày tam sự.
Nhà bia được xây dựng vào năm 1917, kiến trúc lục giác có 6 mái. Trên đỉnh có đắp hình nậm rượu, trong nhà bia có đặt tấm bia ghi việc tu sửa lên núi Hùng, đền Trung. Tương truyền đây là nơi vua Hùng cùng các lạc hầu, lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và bàn việc nước.
Đền Trung được xây dựng kiểu chữ Nhất. Đền có 3 gian quay về hướng Nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Đền Trung thờ giống như đền Hạ, trong treo 3 bức hoành phi có nội dung “Hùng Vương tổ miếu”, “Hùng Vương linh tích” và “Triệu tổ Nam Bang”.
Đền Thượng làm theo kiểu chữ Vương, kiến trúc đơn giản, kèo cầu không có chạm trổ, nền được xây dựng qua 4 cấp khác nhau gồm nhà chuông trống, đại bái, tiền chế và hậu cung. Bên phải đền Thượng là nhà quan cư – nơi sắp lễ và chỉnh đốn trang phục trước khi làm lễ dâng hương.
Lăng Hùng Vương nằm ở phía Đông đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn chân đạp thủy. Lăng hình vuông cột liền tường, có đao công 8 góc, tầng dưới 4 góc đắp con rồng tư thế bò. Tầng trên đắp rồng uốn ngược.
Ngoài ra, khu di tích đền Hùng còn có đền Giếng, đền Tổ mẫu Âu Cơ, nhà lưu niệm, Hồ Chủ tịch, bảo tàng đền Hùng, chùa Thiên Quang thiền tự…
Vị trí Đền Hùng