Được xem là món ăn ngon rẻ, giản dị và mộc mạc, nhưng bánh cống Cần Thơ lại làm bao thực khách phải trầm trồ thưởng thức để rồi cứ vương vấn mãi cái vị đặc biệt khó quên…
Cái cống để đổ bánh là một vật dụng nhỏ có lòng sâu, hình dáng tựa như phin cà phê, lại có tay cầm dài. Thời xa xưa, nó được đẽo gọt từ thân cây tre, sau này người ta làm cống bằng nhôm để bánh to hơn, sử dụng lâu hỏng hơn.
Nguyên liệu chính để làm bánh cống là bột gạo pha, đậu xanh, thị heo băm nhuyễn và tôm. Bột để làm bánh cống có thành phần chủ yếu là bột gạo tẻ có pha chút nếp và bột mì. Bột được pha lỏng nhưng đặc hơn bột để đổ bánh xèo, thêm hành lá, gia vị và lòng đỏ trứng gà để bánh vàng màu, cũng như thêm vị ngậy. Về phần đậu xanh, người ta thường dùng đậu xanh đã cà hấp chính, còn nguyên hột nhưng cũng có người dùng đậu xanh hột nấu chín có vẻ như bùi hơn. Đậu xanh này được trộn với thịt heo đã xào chín nêm nếm vừa ăn. Phần tôm thì chỉ làm sạch, để tươi không bóc vỏ.
Đổ bánh cống tuy không phức tạp nhưng không khéo thì bánh không thể ngon giòn được. Thường chảo để chiên bánh cũng phải sâu lòng, và rất nhiều dầu. Khi chảo dầu nóng, người ta cho khuôn bánh vào ngập dầu để nóng khuôn sau đó trút hết dầu ra khỏi khuôn và đổ một lớp bột vào, cho đậu xanh thịt, thêm một lớp bột nữa nhưng chỉ đến miệng khuôn rồi đặt tôm lên. Khuôn bột được nhúng chảo dầu để bánh định hình, sau đó mới từ từ cho ngập dầu để bánh chín.
Bánh cống ăn kèm với một số loại rau thơm và nước chấm được pha chế cầu kì. Bánh cống ngọt, giòn, thơm ăn cùng rau xanh thanh mát với nước chấm chua chua, cay cay sẽ khiến du khách không thể nào quên.
Đã đến với Cần Thơ – xứ gạo trắng nước trong – thì đừng bỏ lỡ món bánh dân dã này bạn nhé. Biết đâu khi đã một lần thử, bạn sẽ cứ mãi thôi thúc quay lại đây chỉ để thưởng thức món bánh cống Cần Thơ đặc sắc này.