Như các loại bánh truyền thống của người miền Tây, trước đây bánh tét thường được dùng chủ yếu trong những dịp quan trọng như cúng giỗ, các ngày tết trong năm hoặc xuân thu nhị kỳ đình đám tế lễ… Nguyên liệu làm bánh tét cũng giống y bánh chưng, chỉ khác là hình dáng bánh và loại lá dùng để gói bánh. Ngày nay bánh tét đã thành món ăn quanh năm, được bán hàng ngày ở các chợ.
Có người còn gọi bánh tét là bánh đòn, vì nó có hình trụ dài, được gói thành từng cặp nối liền nhau bằng dây lác nổi gân gọi là đòn bánh. Có người lại cho rằng, cái tên bánh tét được gọi từ cách ăn. Khi ăn bánh tét, người ta thường dùng sợi dây nhỏ (tước nhỏ sợi lạt gói bánh hoặc sợi cước, chỉ…) để cắt bánh; bằng cách tay trái cầm bánh, tay phải cầm một đầu chỉ và đầu chỉ còn lại cắn vào miệng, khoanh tròn sợi chỉ xung quanh bánh đã bóc lá và cắt (còn gọi là tét bánh) ra từng khoanh rồi sắp bánh lên dĩa. Ăn bao nhiêu, ‘tét’ bấy nhiêu, phần còn lại bọc lá cất lần sau ăn tiếp.
Ở Cần Thơ, bánh tét ngon nhất thuộc về gia tộc họ Huỳnh ở Bình Thuỷ. Con cháu họ Huỳnh đã làm cho đòn bánh tét độc đáo hơn bằng cách nấu lá cẩm lấy nước xào nếp dẻo với nước cốt dừa và dùng thịt, trứng vịt muối làm nhân.
Muốn bánh ngon phải lựa nếp rặt mới làm cho đòn bánh dẻo. Lá cẩm phải tươi. Lá úa sẽ làm cho nước lá cẩm xuống màu. Thịt làm nhân phải là thịt tươi, ướp cho thịt tẩm thấm… Nếu thịt không ngon, nếp không rặt sẽ làm cho khẩu vị bánh mất ngon.
Bánh tét lá cẩm ở Bình Thuỷ gói dẽ, cắt thành từng khoanh không bời rời. Cắn một miếng bánh tét màu tím, nếp dẻo và cái vị ngọt của thịt, của hương thơm trứng muối như đọng trong đầu lưỡi. Nó khác với những đòn bánh tét đậu trắng, đậu đen nhân mỡ hành, nhân chuối theo kiểu truyền thống của người Việt.
Bánh tét từ lò Chín Cẩm, Tư Đẹp ngày thường bán ở chợ Xuân Khánh, An Thới, Mít Nài… nhiều du khách thập phương biết tiếng đều tới tận điểm bán hàng mua về làm quà.